Cuộc
thi hoa khôi do diễn đàn nguoiquangbinh.net tổ chức giúp kết nối những người xa
quê với nhau, cũng là cách để các bạn trẻ bày tỏ nỗi nhớ quê hương.
Mỗi
năm, diễn đàn lại tổ chức thi hoa khôi với mục đích tạo cơ hội cho các thành
viên diễn đàn giao lưu kết bạn, xây dựng kênh kết nối những người con đất Quảng
Bình đang học tập và làm việc khắp mọi miền đất nước cũng như trên thế giới.
Mỗi thí sinh tham gia gửi lên diễn đàn 3 ảnh và 1 bài giới thiệu bản thân. Sau
đó các thành viên đặt câu hỏi, thí sinh trả lời và đến buổi offline tại Quảng
Bình sẽ tổ chức thi chung kết.
Thực
tế, nhiều người biết rất khó về dự buổi offline chung kết, nhưng vẫn tham gia
cho đỡ nhớ quê. Như tâm sự của Lê Thị Phương Thanh (nickname là Tiểu thư lọ
lem) hiện ở Đức: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất gió lào và cát trắng, rời
ghế nhà trường ra ngoài mưu sinh và tự lập, bôn ba ở xứ người, vất vả, gian nan
và nhiều lúc cảm thấy cô đơn nhớ nhà nhớ quê da diết. Nhưng chính vì những điều
đó khiến cho mình cảm thấy thêm yêu và quý mảnh đất, nơi mình sinh ra và lớn
lên nhiều hơn. Với một người con xa xứ như mình thì đây chính là món ăn tinh
thần, được gặp những người bạn, những người đồng hương, được nói tiếng quê
mình, mô, tê, răng, rứa bao nỗi nhọc tan biến, thay vào đó một niềm vui khó
tả”.
Nguyễn Phương Thảo - thí sinh được diễn đàn đánh giá là có nhiều câu trả lời hay / Ảnh: nguoiquangbinh.net |
Còn
Ngô Thị Hương Phúc (lolem.xauxi) hiện học ở Khánh Hòa bày tỏ: “Chẳng bao giờ
trong lòng tôi quên được những ngày gió lào cát trắng Ngư Thủy Trung, nhớ lắm
tuổi thơ của tôi gắn với những trưa hè đi tắm biển cùng lũ bạn, nhớ những đêm
trăng sáng ra biển chơi năm mười, những chiều chủ nhật đi nhặt củi. Không thể
quên được cái động cát cao ngất và tưởng chừng nó bị san phẳng bởi trò trượt
cát của tụi tôi”.
Ban
giám khảo là các thành viên diễn đàn cũng đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa nhưng có
ý nghĩa thực tế, giúp ích cho cộng đồng mạng như quan niệm, lối sống khi bước
chân vào chốn đô hội, làm thế nào để xin việc thành công... Người có nickname
mcsecurity hỏi: “Theo bạn, chúng ta thay đổi biểu tượng Quảng Bình quan
của tỉnh Quảng Bình như thế nào để theo kịp với nhịp sống ngày càng hiện đại,
thể hiện rõ là một mảnh đất năng động hội nhập và phát triển?”.
Những
tưởng là khó cho một sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM
nhưng Nguyễn Phương Thảo (nick name là Cô gái nguy hiểm) đã trả lời rất suôn
khi giải thích nguồn gốc, lịch sử. Và kết luận: “Nếu chúng ta thay đổi Quảng
Bình Quan nói riêng hay các di tích lịch sử khác trên đất nước Việt Nam nói
chung thì có lẽ nó sẽ không còn đúng cái giá trị cao cả đích thực của nó nữa.
Tốt nhất ta nên trùng tu để Quảng Bình quan và những di tích khác có thể sống
mãi với thời gian, luôn hướng về nguồn cội. Còn để chứng minh Quảng Bình là một
mảnh đất năng động, hội nhập và phát triển thì cái đó nhờ vào sự cố gắng, sự
thể hiện của bản thân mỗi người con đất Quảng”.
Nguồn Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét